Sáng 6/5 (tức 23/3 âm lịch), tại thôn Trúc Lâm, UBND xã Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cùng những người con của làng nghề da giầy Hoàng Diệu đã dâng hương kỷ niệm 526 năm ngày giỗ các vị tổ khai sáng nghề da giầy truyền thống Việt Nam.

Các vị tổ là: Phạm Quý Công tự Đức Chính, Nguyễn Quý Công tự Sĩ Bân, Phạm Quý Công tự Thuần Chính và Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung đều sinh tại phủ Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, Hải Dương). Ba vị tổ sư và Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung, cùng sinh vào thời đại nhà Lê Trung Hưng, đều có dòng dõi quý tộc, tâm hòa ý hợp kết tình bằng hữu chí thân, thiên tư rất thông minh. Trước hoàn cảnh thiếu thốn, khổ cực của nhân dân lúc bấy giờ, các vị rất cảm thương đã bàn bạc với nhau phải tìm một “công nghệ” gì để dân chúng có kế sinh nhai, làm ra của cải hàng ngày, đem lại no cơm ấm áo. Vốn có tầm nhìn xa, các vị đã bàn tính với nhau chỉ có cách xuất dương ra nước ngoài mới học được các công nghệ tinh xảo, mong đem lại lợi ích cho mọi người. Năm 1560, Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung được vua Lê Thánh Tôn cử đi sứ sang nhà Minh bên Trung Quốc, để bàn công việc ngoại giao hai nước. Nhân cơ hội này, ba vị tổ sư đã làm sớ xin nhà vua cho cùng đi tòng sứ với Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung để tìm hiểu, học hỏi công nghệ đem về nước truyền dạy cho dân và được nhà vua chấp thuận. Sau nhiều ngày vất vả, các ngài đã tới Bắc Thành (nay là Bắc Kinh, Trung Quốc). Qua tìm hiểu thấy nhà họ Lũ, có nghề thuộc da, làm giầy dép, hài hia nổi tiếng ở đất Hàng Châu, các vị liền xin vào học nghề. Vốn tư chất thông minh và lòng kiên trì, các vị đã khéo tinh ý thâu lượm được cách thức làm nghề. Qua nhiều lần làm thử thấy sản phẩm của mình cũng không thua kém gì mấy so với nhà họ Lũ. Sau khi hoàn tất việc ngoại giao, các vị về nước và đem những sản phẩm giầy dép, hài hia dâng lên nhà vua và được vua hạ chiếu chỉ ban khen bổ nhiệm ba vị vào Bộ Quốc giám; đồng thời hạ chỉ cho các vị truyền dạy lại nghề cho nhân dân. Ba vị liền đứng lên hiệu triệu, khuyến khích và truyền dạy cho nhân dân công nghệ thuộc da, làm giày dép, hài hia. Bốn làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm và Nghĩa Hy của xã Hoàng Diệu, là quê hương của các vị nên được các ngài truyền nghề cho đầu tiên. Ba vị được nhà vua sắc phong ban cho danh hiệu: Phạm Quý Công tự Đức Chính được phong “Bảo Hựu Linh Phù”, Nguyễn Quý Công tự Sĩ Bân phong là “Tích Khánh Linh Phù” và Phạm Quý Công tự Thuần Chính được phong “Diên Hựu Linh Phù”. Đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định lại sắc phong các vị là “Dực Bào Trung Hưng tôn thần”. Đến nay nghề truyền thống làm giầy da Hoàng Diệu đã hơn 500 năm tuổi. Nối tiếp truyền thống cha ông, lớp con cháu hôm nay đã và đang tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề. Ông Nguyễn Văn Đan, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết: bốn làng của xã đã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận “làng nghề giầy da truyền thống”. Toàn xã hiện có gần 300 hộ với hơn 1.000 lao động làm nghề, thu nhập bình quân hơn 13 triệu đồng/người/năm. Xã Hoàng Diệu hiện có nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ rộng khắp miền Bắc, sản xuất khoảng 700 ngàn đôi/năm. Xác định nghề tiểu thủ công nghiệp giầy da đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên thời gian qua, xã Hoàng Diệu đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ làm nghề phát triển sản xuất: tạo điều kiện mặt bằng để các hộ có điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ... Để làng nghề tiếp tục phát triển bền vững, xã Hoàng Diệu đang phối hợp với huyện Gia Lộc hoàn tất thủ tục để thành lập “Hội giầy da Hoàng Diệu” trong năm nay. Nhờ có nghề truyền thống làm giầy dép da, bộ mặt nông thôn Hoàng Diệu hôm nay đã có nhiều đổi mới, nhiều hộ dân từ chỗ nghèo đói nay đã có “của ai của để”.



Tags:

Để lại bình luận